Đưa kịch Hà Nội trở lại Sài Gòn
VHO- Sau đợt lưu diễn thành công hồi tháng 6 với chương trình biểu diễn nghệ thuật Tìm về văn hóa cội nguồn, vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 này, Sân khấu Lệ Ngọc lại tiếp tục đưa kịch Bắc “Nam tiến” với chủ đề Kịch nghệ - Ngọn lửa tình yêu giữa Sài Gòn hoa lệ. Các vở diễn được đầu tư bài bản, nội dung phản ánh cuộc sống đương đại, thủ pháp mới lạ, hứa hẹn mang đến cho khán giả phương Nam nhiều cung bậc cảm xúc với những dấu ấn đặc sắc, riêng biệt.
“Quan Âm Diệu Thiện” chuyển tải thông điệp về văn hóa ứng xử và lối sống ân nghĩa của người Việt
Trong lần biểu diễn này, chương trình giới thiệu đến khán giả bốn vở: Tình bạn và công lý, Thị Nở và Chí Phèo, Sự tích Bà Chúa Ba (Quan Âm Diệu Thiện) và Tấm Cám, đây là những đề tài xuyên suốt hành trình văn hóa Việt theo thời gian từ xa xưa đến hiện đại, tạo nên một chuỗi sự kiện nghệ thuật đáng chú ý vào dịp cuối năm.
Mang truyện xưa tích cũ đặt vào xã hội mới
Tình bạn và công lý (tác giả Minh Nguyệt, đạo diễn Hán Quang Tú) kể câu chuyện về ba người lính, bom đạn chiến tranh không giết nổi họ, nhưng cuộc chiến giữa thời bình lại khiến con thuyền lý tưởng chẳng chung đường. Chiến tranh lùi xa, một người trở thành Cục phó Cục Điều tra; một người theo con đường công danh và đã công thành danh toại; còn người kia trở về với cuộc sống cần lao. Nhưng chuyện đời vốn chẳng bình yên mãi, những mối duyên nghiệt ngã đã khiến cái tình ấy “rỉ máu tâm can” khi cả ba đứng trước những lựa chọn chẳng đành lòng. Với đầy đủ cung bậc cảm xúc: Tình yêu ngọt ngào mà cũng có lúc cay đắng, tình bạn thủy chung nhưng phải đứng trước cán cân, guồng xoáy của đồng tiền nghiệt ngã..., Tình bạn và công lý là tác phẩm đoạt huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần IV năm 2020.
Dưới bàn tay của “Bố già sân khấu” NSND Lê Hùng, câu chuyện cũ của làng Vũ Đại được thổi vào hơi thở hiện đại để thức tỉnh, lay động lương tri con người trong vở Thị Nở và Chí Phèo (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSND Lê Hùng). Mạch truyện được dẫn dắt theo hướng hoàn toàn mới và đầy thú vị: Đi từ hiện tại trở về quá khứ và gửi gắm niềm tin, hy vọng vào tương lai. Mượn hiện thực xã hội Việt Nam giai đoạn thuộc địa nửa phong kiến để phản ánh một góc cuộc sống và con người thời nay, Thị Nở và Chí Phèo được dàn dựng mang đậm chất văn hóa dân gian Việt Nam, là những chất liệu luôn được khán giả trong nước cũng như quốc tế yêu mến. Thiết kế sân khấu với những đạo cụ và bối cảnh từ lò gạch đến bụi chuối mở ra một không gian đậm chất làng quê yên bình nhưng luôn có những đợt sóng ngầm xuất phát từ mâu thuẫn nội tâm và giai cấp xã hội.
Điều đáng ghi nhận tiếp theo chính là diễn xuất linh hoạt và xuất sắc của các nghệ sĩ. Đặc biệt, một lúc đảm nhận hai vai diễn: Vợ ba Bá Kiến và Thị Nở, NSND Lệ Ngọc đã thể hiện đầy cảm xúc, mang lại những “miếng cười” giòn giã và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào cho người xem. Bà xuất hiện với hai phong cách diễn xuất hoàn toàn đối lập nhau: Một Thị Nở xấu xí và quê kệch và một bà Ba quý phái, đanh đá, lẳng lơ… Có thể nói, với Thị Nở và Chí Phèo, sân khấu Lệ Ngọc đã đem câu chuyện cũ đặt trong xã hội mới, khắc họa xuất sắc những mâu thuẫn hiện hữu trong nội tâm con người, và rộng hơn là trong xã hội qua cách dàn dựng bài bản, chuyên nghiệp, hiện đại.
"Thị Nở và Chí Phèo” được dàn dựng mang đậm văn hóa dân gian Việt Nam
Khơi gợi ý thức sống vì cộng đồng
Vở Quan Âm Diệu Thiện (tác giả Lệ Dung, đạo diễn NSND Lê Hùng) thu hút sự chú ý của truyền thông và những người yêu nghệ thuật Hà Thành từ những ngày đầu lên ý tưởng dựng vở. Khác với những “đứa con tinh thần” trước đó của sân khấu Lệ Ngọc, Quan Âm Diệu Thiện mang một dấu ấn riêng và đem tới cho khán giả những mạch cảm xúc mới mẻ mà bình yên. Bằng các thủ pháp nghệ thuật như ước lệ, tượng trưng và dàn dựng thiên về kịch hình thể, vở kịch Quan Âm Diệu Thiện thoại ít, thể hiện nhiều, hứa hẹn sẽ là một tác phẩm khiến người xem xúc động và suy ngẫm về vai trò của chữ “Nhân” và chữ “Hiếu”. Vở kịch cũng hé lộ nhiều điều về văn hóa ứng xử và lối sống ân nghĩa của người Việt. Khán giả có dịp khám phá sâu hơn về đời sống tâm linh, tinh thần để lý giải tại sao người Việt thờ Bồ Tát Quán Thế Âm nhiều đến thế.
“Nam tiến” lần này, vở kịch Tấm Cám (kịch bản phóng tác của nhà văn Nguyễn Hiếu, đạo diễn Chua Soo Pong - người Singapore) có một vài dấu nhấn khác lạ. Lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích kinh điển Việt Nam, sân khấu Lệ Ngọc dựng Tấm Cám theo phong cách hoàn toàn mới, lồng ghép những diễn biến bi - hài và được lược bỏ những chi tiết tàn khốc so với nguyên bản. Tấm Cám ở đây không có cảnh bạo lực và đặc biệt nhân vật Bụt được thay bằng hình ảnh mẹ của Tấm. Bản dựng này có nhiều thủ pháp mới để khán giả trẻ có thể tìm được sự trải nghiệm thú vị trong nhiều chi tiết bất ngờ.
NSND Lệ Ngọc chia sẻ, chủ đề của chuyến lưu diễn này kỳ vọng gửi gắm đến khán giả những ẩn ý về lối sống, nhân sinh quan của các tác giả về những biến chuyển của thời đại. Ở đó, cách ứng xử của con người trong cộng đồng, xã hội được thể hiện trong từng câu chuyện kịch. Thông điệp của mỗi vở diễn chính là khơi gợi ý thức sống vì cộng đồng, giữ gìn nếp sống văn hóa, truyền thống đạo đức của người Việt. “Sứ mệnh của sân khấu Lệ Ngọc là hướng đến những thủ pháp dàn dựng mới, đó cũng là động lực chính để các nghệ sĩ, nhà biên kịch, diễn viên làm việc hết mình trong giai đoạn hình thành sân khấu xã hội hóa”, NSND Lê Hùng cho biết.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2013 với tên gọi “Nhóm kịch xã hội hóa” của Nhà hát Kịch quốc gia Việt Nam, đến tháng 9.2016, CLB Sân khấu Lệ Ngọc được chính thức thành lập và là sân khấu xã hội hóa đầu tiên của Hà Nội. Tính đến nay, sân khấu Lệ Ngọc đã có 12 kịch mục và lưu diễn ở 16 quốc gia.
THÙY TRANG